Từ 1.1.2015 đến 30.6.2019, cả nước đã phát hiện, xử lý 8.442 vụ xâm hại trẻ em, với 8.709 trẻ bị xâm hại. Trong đó, số trẻ em bị xâm hại tình dục là 6.432 em; bạo lực 857 em; mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt 106 em; các hình thức xâm hại khác là 1.314 em.
Tại một số địa phương, đối tượng xâm hại trẻ em là người ruột thịt, người thân thích và người quen biết với trẻ chiếm phần lớn và có xu hướng gia tăng, như tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu 97,3%; tỉnh Phú Thọ 97%; tỉnh Cà Mau 96,5%; Thành phố Hà Nội 88,8%…
TP.HCM và thành phố Hà Nội là 2 trong 10 địa phương có số trẻ em bị xâm hại nhiều nhất trong cả nước.
Trên đây là những con số biết nói về một vấn đề nghiêm trọng gây ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần của trẻ: XÂM HẠI TRẺ EM. Những nỗi đau mà việc xâm hại gây đến cho trẻ sẽ luôn đeo đuổi và rất khó phai mờ theo năm tháng. Để bảo vệ con trẻ, ngoài việc tránh để trẻ đi một mình hay tiếp xúc với những người lạ mà không có mặt bố mẹ, cách tốt nhất là dạy trẻ biết nhận diện và tránh xa những nguy hiểm qua phương pháp NO-GO-TELL.
NO – TỪ CHỐI NHỮNG NGUY HIỂM TIỀM TÀNG
Điều đầu tiên cần lưu ý trong phương pháp NO-GO-TELL là giúp trẻ nhận diện và tránh khỏi nguy hiểm. Nguy cơ bị xâm hại có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào, bất cử lúc nào và bởi bất cứ ai, nên cần giúp trẻ cảnh giác với những kẻ khả nghi, dù đó là người lạ hay người quen. Một số trường hợp có thể mang đến nguy hiểm cho trẻ là:
- Khi có người lạ tiếp cận, tặng đồ chơi, bánh kẹo và muốn trẻ đi với mình.
- Khi có người lạ tiếp cận tặng bánh kẹo, đồ ăn cho trẻ.
- Khi có người tiếp cận và muốn nhìn, chạm vào vùng riêng tư của trẻ, hoặc muốn trẻ nhìn, chạm vào vùng riêng tư của mình. Vùng riêng tư là 4 vùng mà trẻ cần lưu ý nhớ rõ và bảo vệ: Môi, Ngực, Mông và Vùng đi vệ sinh.
- Khi có người muốn trẻ thay đồ, cởi đồ trước mặt họ
Khi gặp những trường hợp này, trẻ phải từ chối thật dứt khoát, rõ ràng, không cho họ tiếp xúc trực tiếp với trẻ. Trẻ cần phải ghi nhớ rằng nên tránh những nơi riêng tư, ít người, vì ở những nơi đó trẻ khó thoát khỏi sự kiểm soát của kẻ nguy hiểm hơn nơi đám đông.
GO – TRÁNH XA ĐỐI TƯỢNG NGUY HIỂM
GO trong NO-GO-TELL là tránh thoát các các nguy hiểm mà mình phải đối mặt. Sau khi từ chối tiếp cận với những đối tượng nguy hiểm, trẻ phải tìm cách tránh xa đối tượng đó. Cách an toàn nhất là trẻ có thể chạy ngay đến chỗ bố mẹ và tìm sự trợ giúp của những người thân thuộc nhất.
Trong trường hợp không ở gần bố mẹ, trẻ có thể tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người xung quanh. Trẻ cần chạy vào đám đông và hét thật to “Cứu con với, có kẻ xấu!” hoặc “Cứu con với, có người muốn làm đau con!” hoặc cụ thể hơn là gọi luôn người có thể giúp đỡ mình như “Cứu con với cô áo xanh”, “Cứu con với chú áo trắng”. Nên tránh trường hợp la “Á á á” vì mọi người không thể phân biệt được đó là trẻ đang nghịch ngợm hay thật sự gặp nguy hiểm.
Tuy nhiên, vẫn có những lúc trẻ không thể thoát khỏi những kẻ nguy hiểm. Khi đó, trẻ cần học cách tự vệ cho bản thân. Trẻ có thể cắn vào tai, đánh thật mạnh vào những vùng yếu như mắt hay vùng đi vệ sinh. Khi đánh thật mạnh vào những vùng đó, kẻ xâm hại sẽ bị đau và yếu đi, trẻ có thể vùng thoát khỏi họ và chạy đi tìm kiếm sự giúp đỡ từ người lớn.
TELL – THÔNG BÁO CHO GIA ĐÌNH
Điều quan trọng mà phương pháp NO-GO-TELL dạy trẻ là nói lại với người lớn về những việc đã xảy ra. Sau khi đã thoát khỏi nguy hiểm, trẻ cần kể ngay cho bố mẹ và những người trong gia đình. Vào lúc này, người lớn cần tiến hành an ủi trẻ nếu trẻ có tình trạng sợ sệt, khen thưởng những hành động đúng của trẻ cũng như khuyên bảo, giải thích cho trẻ những hành động chưa hợp lý. Việc khen thưởng, khuyên bảo sẽ giúp sửa đổi củng cố hành vi của trẻ, giúp trẻ có cách ứng xử phù hợp và tránh được những trường hợp gây nguy hiểm khác.
Thông tin tham khảo:
https://thanhnien.vn/thoi-su/hon-6000-tre-em-bi-xam-hai-tinh-duc-trong-gan-5-nam-1216347.html