TRẺ CẦN ỨNG PHÓ THẾ NÀO KHI GẶP CHÁY NỔ?

Thời tiết khô hanh và những bất cẩn khi sử dụng điện có thể gây ra các vụ cháy nổ. Theo Phòng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Tp. Hồ Chí Minh, chỉ trong 3 tháng đầu tiên của năm 2021 đã có 573 vụ cháy dân sự, diễn ra tập trung ở địa bàn thành thị, một số địa phương có tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hóa nhanh, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh. Trong đó có xảy ra các vụ cháy tại khu vực dân cư, nhà ở kết hợp kinh doanh với đặc điểm chủ yếu là dạng nhà ống có thể kết hợp vừa để ở, vừa sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ. Hầu hết các vụ cháy gây thiệt hại về tài sản không lớn nhưng để lại hậu quả nghiêm trọng về người.

Do vậy, việc trang bị kỹ năng thoát khỏi cháy nổ, đặc biệt là ở các công trình nhà ống, là vô cùng quan trọng không chỉ với người lớn mà còn với trẻ nhỏ. Khi đám cháy xảy ra, trẻ em là đối tượng cần được bảo hộ nhất, nhưng cũng là đối tượng mà mọi người không yên tâm nhất. Nếu chưa được tập huấn, các em sẽ la hét, chạy khắp nơi, chạm vào đồ vật đang cháy gây nguy hiểm cho chính bản thân mình và khó khăn cho những người cứu hộ. Vì vậy, việc hướng dẫn các em cách trốn thoát khỏi đám cháy một cách an toàn từ ban đầu là vô cùng quan trọng và cần thiết.

1. Giữ bình tĩnh và tìm đường ra ngoài

Điều đầu tiên cần làm khi có bất kỳ sự cố nào xảy ra là giữ bình tĩnh. Khi hoảng loạn, trẻ sẽ có xu hướng chạy lung tung hoặc chạy đi tìm người thân, và sẽ dẫn đến việc xô ngã, chạm phải các vật gây bỏng. Do đó, bố mẹ và người thân cần tập cho trẻ khả năng giữ bình tĩnh và tìm đường nhanh nhất để thoát ra bên ngoài. Khi có sự cố cháy nổ xảy ra, khói sẽ ngăn cản tầm nhìn và lửa sẽ lan ra khắp nơi. Do đó, việc ghi nhớ từ trước những lối thoát khác nhau sẽ giúp tăng khả năng chạy thoát an toàn cao hơn.
Bố mẹ cần lưu ý cho trẻ những điều sau: Cầu thang thoát hiểm nằm ở đâu? Có bao nhiêu lối thoát? Làm thế nào để đi tới chỗ đó từ phòng của mình?
Ghi nhớ và tìm đúng loại bảng chỉ dẫn thoát khỏi cháy nổ

2. Thoát ngay lập tức

Càng chần chừ thì tỉ lệ thoát khỏi đám cháy nổ an toàn càng thấp, vì thế trẻ cần phải thoát khỏi tòa nhà ngay lập tức. Trẻ nhỏ thường rất yêu thích các món đồ chơi, đồ vật kỷ niệm và luôn có mong muốn đem nó theo bên mình. Khi có đám cháy xảy ra, trẻ có thể chạy đi tìm các món đồ chơi trước rồi mới chạy ra khỏi tòa nhà. Điều này vô tình sẽ bỏ lỡ “thời cơ vàng” để thoát khỏi đám cháy.
Bố mẹ cần giúp trẻ nhận thức được mức độ nguy hiểm của đám cháy, chấp nhận bỏ lại các đồ chơi để trốn thoát ra ngoài càng nhanh càng tốt.
Thoát khỏi đám cháy ngay lập tức để tăng tỉ lệ an toàn

3. Cúi thấp người sát mặt đất 

Khi cháy nổ, một lượng lớn khói và khí độc sẽ được sinh ra và gây nguy hiểm. Trong các vụ hỏa hoạn, ngạt khói là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, cao hơn cả nguyên nhân tử vong do bỏng với tỷ lệ giữa hai nguyên nhân này là 3/1. Lửa tạo ra khí độc khiến mọi người mất phương hướng và rơi vào trạng thái mơ màng, lú lẫn.
Khói và khí độc thường bay lơ lửng trên không, vì thế cần cúi thấp người nhất có thể để trốn thoát ra ngoài. Tốt nhất, hãy bò bằng đầu gối và tay sẽ giúp đi ra ngoài nhanh hơn. Để tránh trường hợp ngạt khói, trẻ có thể vừa dùng khăn giấy ướt hoặc nhúng khăn ướt bịt miệng và mũi, vừa dùng cả tay và chân bò dưới đất.
Để có thể nhanh chóng tìm được khăn ướt thoát ra ngoài, bố mẹ cần tập cho trẻ thói quen sắp xếp đồ vật, đồ chơi gọn gàng, tránh ảnh hưởng đến việc tìm kiếm và di chuyển khi sự cố xảy ra.
Nằm xuống và bò để hạn chế khả năng sặc khói độc

4. Nếu không thể thoát ra ngoài kịp

Trong trường hợp, khói và lửa bịt kín các lối thoát. Hãy dạy trẻ cách gọi điện khẩn cấp đến số 114. Sau đó, hãy hét thật to, để người ngoài có thể nghe thấy.
Trẻ cần tìm một chỗ thật an toàn để chờ người đến cứu. Tốt nhất, dạy trẻ không nên trốn trong gầm giường hoặc tủ quần áo, vì sẽ rất khó đển người cứu hộ tìm thấy trẻ.
Trong thời gian chờ đợi, trẻ phải biết cách dùng chăn, mền hoặc quần áo để che chắn các lỗ hổng, những chỗ mà khói có thể đi vào trong.
Khi đám cháy to, lửa rất dễ bị bén vào quần áo của trẻ. Bố mẹ hãy giúp trẻ nắm nguyên tắc “dừng, nằm và lăn”, tức là, khi thấy lửa bén vào quần áo, lập tức dừng lại, nằm xuống đất và lăn cho đến khi quần áo không còn lửa nữa. Trẻ cần nhớ dùng tay che mặt lại để tránh bị bỏng vùng mặt.
Liên lạc ngay trung tâm cứu hỏa để được hỗ trợ an toàn

5. Gặp nhau ở nơi đã chỉ định

Thông thường, khi trốn thoát ra ngoài, các thành viên trong gia đình rất dễ bị lạc nhau. Vì thế, bố mẹ cần phải cho trẻ biết nơi mà cả nhà sẽ gặp nhau, có thể là nhà hàng xóm, người thân… Nơi chỉ định này cần phải an toàn và cách càng xa đám cháy càng tốt.

Tài liệu tham khảo:

http://www.pccc.hochiminhcity.gov.vn/web/guest/tinh-hinh-chay-no;jsessionid=11707E9F4387678AD7C78FBCA833F6E7?p_p_id=EXT_ARTICLEVIEW&p_p_lifecycle=0&p_p_state=normal&p_p_col_id=center-left-1&p_p_col_count=1&_EXT_ARTICLEVIEW_struts_action=%2Fext%2Farticleview%2Fview&_EXT_ARTICLEVIEW_groupId=10217&_EXT_ARTICLEVIEW_articleId=1061839&_EXT_ARTICLEVIEW_version=1.0&_EXT_ARTICLEVIEW_i=1&_EXT_ARTICLEVIEW_curValue=1&_EXT_ARTICLEVIEW_redirect=%2Fweb%2Fguest%2Ftinh-hinh-chay-no

https://www.facebook.com/BVNDTP/posts/2004858606447191/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *