DẠY THÊM VÀ HỌC THÊM – LỢI HAY HẠI?

Trong những ngày vừa qua, việc dạy thêm, học thêm đang trở nên “nóng” khi được đại biểu Quốc hội đem ra thảo luận tại nghị trường Quốc hội. Việc dạy thêm, học thêm có nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó nếu nhìn từ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và thi tuyển sinh 10 của các địa phương, chúng ta sẽ thấy còn nhiều băn khoăn.

Bởi lẽ, khi học sinh lớp 12 và lớp 9 tham gia các kỳ thi trên, gần như học sinh nào cũng đều phải học thêm theo kế hoạch của nhà trường. Ngoài ra, học sinh còn phải học thêm ở trung tâm gia sư, ở nhà thầy cô giáo để hi vọng trúng tuyển vào những trường mà mình đăng ký thi tuyển.

Địa phương cần thành tích, trường cần thành tích và muốn khẳng định uy tín đơn vị mình nên ngay trong các kế hoạch tổ chức kỳ thi, lịch thi cũng tiềm ẩn nhiều vấn đề. Trong đó, nổi cộm hơn cả là tình trạng dạy tăng tiết để tổ chức kiểm tra học kỳ sớm.

Thời gian còn lại của năm học để ôn tập (dạy thêm) cho học trò nhằm nâng cao chất lượng cho kỳ thi. Thời điểm này, việc dạy thêm, học thêm cho học sinh cuối cấp nở rộ cả trong và ngoài nhà trường.

TÌNH TRẠNG CHUNG

Thời điểm hiện tại, thời gian kết thúc năm học thường rơi vào cuối tháng 5. Trong khi đó, học sinh lớp 12 phải thường ôn tập ở trường trong khoảng 2 – 3 tháng sau khi năm học kết thúc. Còn đối với những em học sinh lớp 9, nhiều cơ sở giáo dục đã cho kết thúc chương trình học từ giữa tháng 4 để các em tập trung ôn tập để cải thiện điểm số.

Một khi kết thúc chương trình học sớm đồng nghĩa với việc học sinh lớp 9 và lớp 12 phải học thêm nhiều tháng trời và tất nhiên tiền học thêm mà phụ huynh phải đóng cho con em mình là một con số không hề nhỏ.

Một số vị phụ huynh vẫn cho rằng: “Không học thêm thì làm sao theo kịp các bạn?”

HỌC THÊM – LỢI HAY HẠI?

Việc học thêm sẽ mang lại cho các em khá nhiều lợi ích:

  • Bổ sung và nâng cao kiến thức của bản thân, nhất là những môn học đáng quan tâm hoặc cần được cải thiện.
  • Có thêm cơ hội để học hỏi từ những người có chuyên môn, trình độ.
  • Giúp cho các em tự tin hơn khi làm bài tập hoặc khi thi cử.

Tuy nhiên, chúng lại có những tác hại mà các em sẽ phải đối mặt nếu như việc sắp xếp thời gian không hợp lý, dẫn đến thiếu năng lượng. Các em có thể bị mệt mỏi, căng thẳng hoặc mất tập trung nếu như học quá nhiều hoặc quá ít. Các em cũng có thể bị ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần hoặc cuộc sống xã hội nếu như không được chăm sóc bản thân và giải trí đúng mức.

Do đó, các bậc phụ huynh không nên quá gượng ép con em của mình phải học thêm cho tất thảy các môn, thay vào đó là lựa chọn theo nhu cầu của các em. Cha mẹ nên lưu ý đến vấn đề này, vì việc học không chỉ dừng lại ở trường, lớp mà con cần học những kỹ năng khác như giao tiếp, ứng xử với mọi người xung quanh. Do vậy, hãy để con tự lập trong học tập, trau dồi thêm nhiều kỹ năng khác để phát triển bản thân một cách toàn diện và hoàn thiện nhất.

Nguồn tham khảo: Báo Giáo dục Việt Nam – Dạy thêm và học thêm: Nhìn từ kỳ thi Tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh lớp 10.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *